Các câu hỏi về Tuyển sinh ngành Khoa học Vật liệu và Công nghệ Vật liệu năm 2021.

Các câu hỏi về Tuyển sinh ngành Khoa học Vật liệu và Công nghệ Vật liệu năm 2021.

Các câu hỏi về Tuyển sinh ngành Khoa học Vật liệu và Công nghệ Vật liệu năm 2021.

Ngày đăng: 19/04/2023

1.  Bạn Nguyễn Thiên Phong, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM.

Xin chào quý thầy, cô.
Hiện nay em có nghe nói về hướng nghiên cứu tổng hợp các loại hạt có cấu trúc xốp, cấu trúc rỗng, cấu trúc core-shell bằng phương pháp khí dung (aerosol) như sấy phun. Theo em tìm hiểu thì hướng nghiên cứu này khá thú vị vì có nhiều ứng dụng trong điện cực hoặc các chất hấp phụ, tuy nhiên em không tìm được nhiều bài báo nghiên cứu về hướng này ở Việt Nam. Em muốn hỏi hiện nay ở Khoa mình có nhóm nghiên cứu nào làm việc trong lĩnh vực này không? Nếu có xin thầy, cô cho em biết hem thông tin về thời gian có thể chọn chuyên ngành và hướng nghiên cứu.
Em xin chân thành cảm ơn.


Trả lời

Cám ơn câu hỏi cũng như sự quan tâm của em đến hướng nghiên cứu về loại vật liệu này vì không phải các em học sinh nào cũng có quan tâm sâu như vậy về một loại vật liệu tiên tiến mang tính mới đang được quan tâm nghiên cứu từ quốc tế đến trong nước. Hiện tại, ở Khoa KH&CNVL trường ĐH. Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Tp.HCM có các chuyên ngành đào tạo, ở đó có các hướng nghiên cứu của Thầy Cô và các anh chị sinh viên về vật liệu có cấu trúc xốp, core-shell với các ứng dụng tương tự như vậy. Ví dụ những hướng nghiên cứu điển hình trong ngành này được các anh chị sinh viên đang theo làm trong Phòng thí nghiệm là tổng hợp các nano oxit sắt từ có hoạt tính trên bề mặt để được gắn hoặc cho hấp phụ các loại hợp chất mang chức năng để ứng dụng trong lĩnh vực dẫn truyền thuốc có định hướng đến các tế bào bệnh bằng từ tính. Hoặc các vật liệu nano có cấu trúc lỗ xốp bề mặt như SiO2, graphene hay khoáng sét montmorillonite được biến nhằm có hoạt tính hấp phụ bắt các kim loại nặng, hợp chất hữu cơ phẩm nhuộm độc hại hoặc các phân tử khí thải như CO2, CO, NOx… nhằm ứng dụng làm vật liệu xử lý môi trường nước hoặc không khí bị ô nhiễm… Các hướng nghiên cứu điển hình này đang được thực hiện tại Khoa với sản phẩm là các công trình công bố khoa học trên các tạp chí trong và ngoài nước, và một số sản phẩm ứng dụng.
Khoa tạo điều kiện cho các em tham gia vào các nhóm nghiên cứu từ năm 2 và việc lựa chọn chuyên ngành sẽ được thực hiện vào cuối học kỳ 5 em nhé. 


2. Bạn Lê Thông, Trường THPT Trần Quốc Toản, TPHCM, Bạn Chí Thành, THPT Mỹ Xuyên,

Ngành công nghệ vật liệu và khoa học vật liệu khác nhau như thế nào? cơ hội việc làm của 2 ngành này như thế nào ạ, có tốt không ạ

Trả lời

Cám ơn câu hỏi cũng như sự quan tâm của em đến 2 ngành học này của Trường ĐH. Khoa học Tự nhiên thuộc ĐHQG-Tp.HCM. Như các em đã xem thông tin giới thiệu trên Website hay Fanpage của Khoa thì ngành KHVL và CNVL thuộc Trường ĐH. KHTN – ĐHQG, Tp.HCM với các học phần đào tạo liên ngành từ các môn khoa học tự nhiên sẽ trang bị các kiến thức cơ sở, chuyên ngành về lĩnh vực vật liệu và giúp người học vận dụng kiến thức cũng như tư duy về quy trình/công nghệ tổng hợp chế tạo, đánh giá phân tích và ứng dụng của các loại vật liệu có ứng dụng phổ biến từ trong cuộc sống hàng ngày đến những loại vật liệu mới tiên tiến ứng dụng trong lĩnh vực kỹ thuật cao.

Điểm khác biệt chính trong 2 ngành đào tạo này là:

  1. Ngành KHVL sẽ trang bị kiến thức cơ bản liên ngành có liên quan đến Lý, Hóa và Sinh nhằm giúp người học hiểu và vận dụng được các kiến thức cơ sở ngành cũng như chuyên ngành có liên quan đến thành phần cấu tạo của vật liệu; đồng thời giúp các em có các kiến thức và khả năng về phân tích và đánh giá các tính chất sinh-lý-hóa của các loại vật liệu tạo thành để từ đó giúp các em sau này khi tốt nghiệp ra Trường sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng để làm trong các vị trí nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, phân tích đánh giá hoặc kiểm định các loại nguyên liệu đầu vào hoặc sản phẩm đầu ra tại các đơn vị có hoạt động sản xuất; Hoặc làm việc trong các vị trí tư vấn, giám sát hoặc hỗ trợ kỹ thuật cho các Công ty có hoạt động sản xuất và thương mại. Và đồng thời ngành này cũng sẽ giúp các em được trang bị đẩy đủ các kiến thức để các em có thể tiếp tục học thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.
  2. Còn ngành CNVL trang bị kiến thức cơ bản liên ngành có liên quan đến Lý, Hóa và Sinh như đã nêu trên nhưng sẽ chú trọng hơn các kiến thức về quy trình, công nghệ hoặc nguyên lý hoạt động máy móc thiết bị. Và các em còn được đào tạo chuyên sâu hơn với các học phần kiến thức bổ trợ có liên quan đến các công nghệ truyền thống và mới - tiên tiến trong / ngoài nước, các quy trình kỹ thuật có liên quan đến các lĩnh vực tổng hợp chế tạo và sản xuất các loại sản phẩm vật liệu đang được sử dụng phổ biến từ trong cuộc sống hàng ngày đến những loại vật liệu mới tiên tiến ứng dụng trong lĩnh vực kỹ thuật cao như linh kiện quang – điện tử - viễn thông, phương tiện giao thông, sản phẩm chuyển hóa năng lượng, vật liệu dược – y sinh, vật liệu polymer/composite/nanocomposite… Với các học phần đào tạo lý thuyết tạo chuyên môn cụ thể về các quy trình công nghệ này, các em còn được học các học phần thực tập và kiến tập trong các PTN gia công với các thiết bị máy móc gắn liền với thực tiễn hoặc tham quan thực tập tại các nhà máy có các hoạt động sản xuất chế tạo hay láp ráp các sản phẩm vật liệu như đã nêu trên


Trong quá trình học tập, các em có thể đăng ký học bất kỳ học phần nào đang đào tạo tại Khoa để bổ sung, trao dồi và hoàn thiện các kiến thức cho bản thân trong lĩnh vực tổng hợp/chế tạo/sản xuất và phân tích đánh giả kiểm định chất lượng các sản phẩm vật liệu trong các lĩnh vực đã kể trên.


3. Bạn Nguyễn Hoàng Long, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, TPHCM,


Xin phép nhà trường Phân biệt giúp em ngành Khoa Học Vật Liệu và Công Nghệ Vật Liệu với ạ... em đã tìm hiểu từ web trường nhưng vẫn không hiểu rõ đc... và cho em biết các chuyên ngành của từng ngành với ạ... cơ hội việc làm của 2 ngành này như thế nào ạ, có tốt không ạ. Em xin cảm ơn


Trả lời

Cám ơn câu hỏi cũng như sự quan tâm của em đến 2 ngành học này của Trường ĐH. Khoa học Tự nhiên thuộc ĐHQG-Tp.HCM. Em có thể xem thông tin mà Thầy Cô đã trả lời đến thắc mắc của bạn Nguyễn Hoàng Long ở bên trên để hiểu hơn về sự khác biệt giữa 2 ngành học KHVL và CNVL này nhé.  Ngoài ra, cũng xin thông tin thêm cho em về cơ hội việc làm của 2 ngành này như sau:

Các kiến thức liên ngành về việc tổng hợp/chế tạo, đánh gia đo đạc phân tích các tính chất của vật liệu thì Sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học vật liệu và Công nghệ vật liệu có khả năng làm việc tại các trường đại học, viện hoặc đơn vị nghiên cứu có liên quan lĩnh vực vật liệu, vật lý, hoá học, y sinh, các công ty sản xuất hoặc thương mại, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong các lĩnh vực như:
 

  • Vật liệu nhựa gia dụng – kỹ thuật, vật liệu nhựa chức năng, vật liệu trang trí trong xây dựng (sơn, kính cách âm, kính cách nhiệt, vật liệu chống bám dính, chống sương mù...)
  • Vật liệu thân thiện môi trường (bao bì phân hủy sinh học, vật liệu chậm cháy, vật liệu chống ăn mòn, vật liệu chuyển hóa năng lượng như quang năng – điện năng, nhiệt năng – điện năng)
  • Vật liệu xử lý môi trường nước (xử lý chất nhuộm màu trong ngành dệt, vật liệu loại bỏ kim loại nặng trong nước, lọc nước...), môi trường khí (khí thải CO2, CO, NOx)
  • Vật liệu tương thích sinh học ứng dụng trong y khoa (diệt khuẩn, chẩn đoán và phát hiện sớm tế bào mang bệnh: ung thư, bảo quản thực phẩm, keo sinh học trong khâu vết thương thay thế chỉ y khoa...), vật liệu dẫn truyền thuốc…
  • Vật liệu quang học (truyền dẫn thông tin – sợi quang học, bảo mật, phát ánh sáng laser...)
  • Vật liệu hợp kim/kim loại kỹ thuật cao
  • Vật liệu nano ứng dụng trong lĩnh vực kỹ thuật cao như linh kiện quang – điện tử - viễn thông, phương tiện giao thông, sản phẩm chuyển hóa năng lượng, vật liệu dược – y sinh, vật liệu polymer/composite/nanocomposite…
  • Vật liệu ứng dụng trong Nông Lâm Nghiệp (phân bón nano, diệt khuẩn trong nuôi trồng thủy hải sản và nông lâm nghiệp, vật liệu dùng cho nhà kính...) Vật liệu và linh kiện điện tử - bán dẫn (vật liệu lưu trữ dữ liệu trong bộ nhớ điện tử, tụ điện, transistor...), vật liệu màng mỏng cơ học (lớp phủ cách âm – cách nhiệt, lớp phủ mũi khoan, dụng cụ cắt gọt...).


Với các kiến thức chuyên môn, tư duy suy luận, kỹ năng nghiên cứu, thực hành và một số kỹ năng mềm mà các em được trang bị khi theo 2 ngành học này sẽ là lợi thế lớn cho các em khi làm ở các vị trí trong từng lĩnh vực như sau:

  • Sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học Vật liệu có thể công tác tại các vị trí:
    • Giám sát dây chuyền sản xuất, tư vấn - kiểm tra, nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng các loại sản phẩm vật liệu hóa chất có liên quan trong các nhà máy sản xuất, khu công nghệ cao, các công ty, viện nghiên cứu…
    • Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, phân tích đánh giá hoặc kiểm định các loại nguyên liệu đầu vào hoặc sản phẩm đầu ra của các Công ty có hoạt động sản xuất; Hoặc để làm trong các vị trí tư vấn, giám sát hoặc hỗ trợ kỹ thuật cho các Công ty có hoạt động sản xuất và thương mại
    • Tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, các sở Khoa học và Công nghệ, sở Tài Nguyên - Môi trường,…
    • Theo học chương trình thạc sĩ, tiến sĩ bằng nguồn học bổng toàn phần ở các nước tiên tiến như Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan….

  • Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ Vật liệu có thể công tác tại các vị trí:
    • Vận hành, giám sát dây chuyền sản xuất, tư vấn - kiểm tra, sản xuất thử nghiệm các loại vật liệu tiên tiến như vật liệu cho các linh kiện/thiết bị điện tử; vật liệu polymer như bao bì, nhãn mác, giày da; vật liệu hợp kim/kim loại; vật liệu cho các ngành công nghiệp khác như sợi quang, gốm sứ, thủy tinh.
    • Công tác tại các công ty/nhà máy liên quan đến các hoạt động tư vấn kỹ thuật, bảo trì, vận hành các thiết bị/máy móc kỹ thuật cao, đặc biệt là các thiết bị cho các ngành khoa học, công nghệ, y tế, v.v...
    • Công tác tại các công ty liên quan đến các hoạt động tư vấn, bảo trì, hướng dẫn kỹ thuật và quy trình vận hành các thiết bị/máy móc kỹ thuật cao, đặc biệt là các thiết bị cho các ngành khoa học, công nghệ, y tế, v.v...
    • Theo học chương trình thạc sĩ, tiến sĩ bằng nguồn học bổng toàn phần ở các nước tiên tiến như Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan…. về các công nghệ tiên tiến trong tổng hợp, chế tạo và sản xuất các loại vật liệu mới và tiên tiến.

4. Bạn Nguyễn Hoàng Đức Mạnh, THPT Nguyễn Hữu Huân, TPHCM, Bạn Nguyễn Long, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM

Cho em hỏi là ngành Công Nghệ Vật Liệu chỉ mới năm vừa rồi thì trường có đào tạo trình độ thạc sĩ hay tiến sĩ sau đại học không ạ. Và ngành này có những chuyên ngành nào ạ? Có thể review cho em biết thêm chi tiết của từng chuyên ngành được không ạ? Chuyên ngành công nghệ vật liệu y sinh là giống hay khác với kỹ thuật y sinh vậy ạ. Em cảm ơn

Trả lời

Cám ơn câu hỏi cũng như sự quan tâm của em đến ngành học CNVL của Trường ĐH. Khoa học Tự nhiên thuộc ĐHQG-Tp.HCM.
Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ vật liệu, em có thể đăng ký học chương trình thạc sĩ tại Khoa KH&CNVL và chương trình thạc sĩ ở nước ngoài về ngành Khoa học vật liệu, Công nghệ vật liệu, Kỹ thuật vật liệu nhé.
Về chi tiết của từng chuyên ngành em có thể tìm hiểu ở trang web của Khoa: mst.hcmus.edu.vn.
Chuyên ngành vật liệu y sinh nghiên cứu chế tạo ra các loại vật liệu nhằm ứng dụng trong lĩnh vực y sinh học.
Ví dụ: màng dán làm lành vết thương, vật liệu sứ zirconia ứng dụng trong nha khoa, vật liệu nano từ dẫn truyền thuốc trúng đích,…

5. Bạn Cao Quảng Phát, THPT Lương Thế Vinh - Đồng Nai

Cho em hỏi giữa chương trình tiên tiến và chương trình cử nhân tài năng thì cái nào tốt hơn vậy ạ? Có thể so sánh cho em về càng nhiều mặt càng tốt được không ạ ? Như: chất lượng giảng dạy, chất lượng cơ sở vật chất, giáo trình, cơ hội du học... Em cảm ơn nhiều ạ

Trả lời:

 Cám ơn câu hỏi của em, hiện tại ngành KHVL và CNVL chưa triển khai đào tạo cho chương trình tiên tiến và chương trình cử nhân tài năng. Tuy nhiên, hiện tại 2 chương trình đào tạo KHVL và CNVL đang được triển khai có các điều kiện học tập từ lý thuyết đến thực hành, thực tập, đề tài nghiên cứu, tư duy kỹ năng và cơ hội nghề nghiệp đều đã được chuẩn hóa với chương trình đào tạo được thiết kế theo mô hình CDIO và ngành KHVL đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế của mạng lưới các trường ĐH. Đông Nam Á (AUN-QA). Vì vậy, với chương trình giảng dạy đạt chuẩn, đội ngũ giáo viên tu nghiệp từ nước ngoài, các chương trình giảng dạy và nghiên cứu liên kết với các Viện Trường có uy tín từ các nước phát triển trên Thế giới như JAIST (Nhật), Viện Sinica (Đài Loan), ĐH. Polytech’Savoie (Pháp)… thì các em yên tâm về chương trình mình theo học luôn đạt đầy đủ các chất lượng giảng dạy, lớp học, cơ sở vật chất Phòng thí nghiệm và các cơ hội nghề nghiệp lẫn học bổng du học.